Ngày đăng 11/12/2015 | 10:07 AM

Hội thảo đánh giá chiến lược phát triển dạy nghề và dự án đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2015

(Hatechs) Ngày 11 tháng 12 năm 2015, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá chiến lược phát triển dạy nghề và dự án phát triển dạy nghề (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015) cũng như phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2016- 2020”
Ngày 11 tháng 12 năm 2015, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá chiến lược phát triển dạy nghề và dự án phát triển dạy nghề (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015) cũng như phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2016- 2020”.
 
Dưới sự chủ trì của TS. Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Gần 300 đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện các Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương, Văn hóa- Thể thao- Du lịch, … các Sở Lao động- Thương binh- Xã hội các tỉnh- thành trong cả nước cũng như lãnh đạo các cơ sở dạy nghề khu vực phía Bắc đã tham dự, thảo luận các nội dung liên quan tới Chiến lược dạy nghề, những kết quả và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Dự án đổi mới nghề. Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã sôi nổi thảo luận về những phương hướng, nhiệm vụ trong lĩnh vực dạy nghề cho giai đoạn 2016- 2020.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Dương Đức Lân đã nêu khái quát những kết quả đã đạt được và những khó khăn mà các cơ sở dạy nghề cũng như lĩnh vực đào tạo nghề nói chung đang phải đối mặt. Một số yếu tố tâm lý cũng như việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với khu vực và thế giới đang đã đặt ra những thách thức rất lớn đối với hệ thống dạy nghề của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chiến lược dạy nghề trong 5 năm 2011- 2015. Báo cáo nêu rõ: Trong 5 năm qua hệ thống dạy nghề đã tuyển sinh đào tạo gần 9,2 triệu người (trong đó có hơn 1,1 triệu học sinh cao đẳng và trung cấp nghề), tổ chức lại mạng lưới các cơ sở dạy nghề (hệ thống dạy nghề hiện có 1.467 cơ sở dạy nghề, bao gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở dạy nghề khác), đã tập trung phát triển nhân lực cho hệ thống dạy nghề (đến tháng 12. 2015 có 40.615 giáo viên, 11.662 cán bộ quản lý dạy nghề), đầu tư cho hệ thống chương trình, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề. Việc đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề và tăng cường kiểm định chất lượng dạy nghề- kể cả việc xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn nghề, theo dõi và giám sát việc đánh giá, cấp chứng chỉ nghề- là những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước cũng như cả hệ thống dạy nghề quan tâm thực hiện.

Báo cáo đã phân tích những hạn chế, yếu kém chủ yếu trong quá trình thực hiện Chiến lược cũng như Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề khiến một số chỉ tiêu chiến lược đã không được thực hiện đầy đủ như dự kiến (số lượng và chất lượng nhân sự, việc thành lập 3 Trung tâm kiểm định chất lượng, phát triển chương trình, …). Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh những khó khăn, bất cập gắn với những nguyên nhân chủ quan, đồng thời chỉ rõ khó khăn và bất cập trong phân luồng học sinh (hiện có tới 90% số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đăng ký, dự thi và cố gắng vào các trường đại học, chỉ có khoảng 10% đi theo hệ thống dạy nghề).

Sát hạch nghề ốp lát ngày 07 tháng 4 năm 2015 tại trường Cao đẳng Kỹ Thuật & Nghiệp vụ Hà Nội

Đối với giai đoạn 2016- 2020, Chiến lược phát triển giáo dục đặt ra mục tiêu “đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ …, tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp, … nâng tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo nghề lên 63% vào năm 2020”. Để thực hiện mục tiêu này, 10 nhiệm vụ/ giải pháp đã được đề xuất và thảo luận:
-          Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề;
-          Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở dạy nghề;
-          Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp;
-          Triển khai và quản lý khung trình độ quốc gia (cấu phần giáo dục nghề nghiệp); thiết lập hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ nghề quốc gia;
-          Phát triển chương trình, giáo trình;
-          Tăng cường cơ sở cật chất, thiết bị dạy nghề;
-          Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng;
-          Gắn kết các doanh nghiệp với các cơ sở dạy nghề;
-          Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển dạy nghề;
-          Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đại biểu từ Hiệp hội Dạy nghề, đại diện các trường, các địa phương từ Hà Giang, Bắc Cạn, Hà Nội, Huế, … nhất trí với đánh giá của Báo cáo do Tổng cục chuẩn bị, bổ sung và cụ thể hóa những khó khăn, thách thức mà các trường, các địa phương đang phải vượt qua và những kết quả cụ thể mà các trường, các địa phương đã có được trong những năm qua. Các đại biểu tham luận cho rằng những thách thức đối với hệ thống dạy nghề Việt nam là hết sức to lớn, các mục tiêu đặt ra cho hệ thống dạy nghề trong giai đoạn 2016- 2020 là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, có những giải pháp sáng tạo và hiệu quả, có sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời, nhất quán cũng như sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước.

Phòng Tổng hợp

Tin có liên quan

Loading ...
0986 282 388
1
Bạn cần hỗ trợ?